Khi xây nhà, đến lúc xong phần thô, chuyển sang giai đoạn hoàn thiện là cả chủ nhà, cả thợ đều thở phào, vui mừng ít nhiều. Giai đoạn khó khăn vất vả đã qua. Thế nhưng có làm rồi mới biết – chính giai đoạn hoàn thiện là giai đoạn khó khăn, phức tạp kiểu khác, mà kiến trúc sư thấu hiểu hơn ai hết. Một trong những chuyện vẫn luôn là vấn đều nóng bỏng, đau đầu và hoa mắt là chọn vật liệu ốp lát.
Thông thường, kiến trúc sư là người quyết định các vật liệu ốp lát để đảm bảo tính năng sử dụng và phù hợp thẩm mỹ chung. Thực tế vấn đề này khá quan trọng. Chọn lựa vật liệu đúng, ngoài việc tiện ích về công năng còn có thể làm không gian kiến trúc được tôn lên, và ngược lại. Bên cạnh đó, giải pháp ốp lát cũng như một bài toán thiết kế.
Tại sao phải ốp lát?
Câu trả lời đơn giản thôi, nhưng có lẽ cũng cần phải hiểu ở góc độ kỹ thuật một chút thì khi đi vào sâu vấn đề mới dễ dàng. Ốp và lát là việc tạo – phủ những bề mặt bằng vật liệu khác nhằm phù hợp với yêu cầu sử dụng, đặc tính kỹ thuật và nhu cầu thẩm mỹ.
Phân loại ốp lát
Thực ra, ốp và lát giống nhau về bản chất. Lát được dùng cho những mặt phẳng ngang (nền, sàn), ốp được dùng cho các mặt đứng (tường, vách). Trong các phần sau, người viết gọi chung là “ốp lát”. Có nhiều cách phân loại cho nội dung công việc này. Căn cứ vào câu trả lời ở trên, có thể phân loại theo các nhóm sau:
Theo mục đích sử dụng
- Ốp lát để tạo bề mặt thích hợp cho việc sử dụng (Lát sàn bằng vật liệu nhẵn cho sạch sẽ, lát sân bằng vật liệu nhám để chống trơn…), có kết hợp yếu tố trang trí.
- Ốp lát để bảo vệ các bề mặt, kết cấu bao che trước các yếu tố xâm thực (Lát sàn, ốp tường khu vệ sinh, ốp chân tường… để tránh thấm nước, tránh rêu mốc…), có kết hợp yếu tố trang trí.
- Ốp lát trang trí thuần tuý (không có ý nghĩa công năng)
Theo khu vực, bề mặt
- Lát nền, sàn
- Ốp tường (trong khu vệ sinh, các mảng trang trí)
- Ốp tường mặt ngoài công trình (tạo hiệu quả thẩm mỹ, tạo bề mặt che phủ thay sơn)
- Ốp lát trong nhà, ốp lát ngoài trời
Theo nhóm vật liệu chính
- Vật liệu gỗ (gỗ tự nhiên, gỗ công nghiệp…)
- Gạch (gạch đất nung, gạch ceramic, gạch xi măng…)
- Đá (tự nhiên, nhân tạo)
- Các vật liệu khác (nhôm, kính, thảm, các vật liệu composit mới, vật liệu hỗn hợp…)
Trong mỗi nhóm vật liệu lại có thể phân chia nhỏ hơn nữa. Ở đây người viết chỉ khái quát ở những nguyên tắc chung và những nhóm cơ bản.
Hoa mắt chọn vật liệu ốp lát
Có thể nói, trong lĩnh vực xây dựng nói chung, công nghệ vật liệu ngày càng phát triển rất mạnh; trong đó có vật liệu ốp lát. Các sản phẩm mới liên tục ra đời với nhiều mẫu mã đẹp, kích thước linh hoạt, tính năng ưu việt. Các nguồn cung cấp cũng rất phong phú, từ những doanh nghiệp trong nước, liên doanh, các sản phẩm nhập trực tiếp từ nước ngoài với nhiều loại giá thành từ cao cấp đến bình dân. Khi công trình vào giai đoạn hoàn thiện, vấn đề chọn vật liệu ốp lát thường làm hoa mắt cả kiến trúc sư và chủ nhà.
Phải tính toán hướng ốp lát để đảm bảo cân đối, hài hoà, chẵn viên, liền mạch… không bao giờ là việc dễ; đặc biệt với những bề mặt đan xen vật liệu khác nhau và kích thước viên khác nhau. Đã qua rồi thời kỳ hồ sơ thiết kế chỉ ghi trên mặt cắt là: “Lát gạch ceramic 300×300”, mà bây giờ – hầu như với tất cả công trình, bản vẽ mặt bằng, mặt cắt ốp lát là không thể thiếu. Điều đó hẳn làm cho chất lượng công trình được tốt hơn. Tuy nhiên, không phải cứ bản vẽ đủ, thể hiện kỹ và đủ thông tin là có thể ra được sản phẩm tốt. Chuyện “hoa mắt” vẫn là câu chuyện dài…
Nguồn: Tapchikientruc.vn